Vận động viên chạy nước rút người Ý Alessandro Ossola đã đến Paralympic Paris 2024 với mục tiêu giành huy chương vàng, nhưng anh rời đi với “điều còn tuyệt vời” sau khi cầu hôn bạn gái trước hàng chục nghìn người hâm mộ tại Stade de France.
Câu chuyện xúc động đằng sau màn cầu hôn gây sốt tại Paralympic 2024
Vào cuối chặng đua, ngay sau khi bỏ lỡ một suất vào chung kết nội dung chạy 100m T63, vận động viên 36 tuổi Alessandro Ossola đã nắm bắt cơ hội để có một lời cầu hôn khó quên. Alessandro Ossola chạy đến chỗ bố mẹ và bạn gái Arianna trên khán đài, quỳ xuống với chiếc nhẫn trong tay. “Anh điên rồi, anh điên rồi”, Alessandro Ossola thốt lên vì quá bất ngờ và xúc động, trước khi nói lời đồng ý trước gần 4 vạn người hâm mộ đang theo dõi cuộc đua.
“Tôi đã không may mắn, tôi đã không vào được chung kết và tôi thực sự buồn về điều đó. Nhưng sau ba phút, bạn biết đấy, cuộc sống thật kỳ lạ, tôi thực sự hạnh phúc”, Alessandro Ossola nói khi cầu hôn thành công.
Đó là một kế hoạch đã được anh ấp ủ hơn một tháng. “Tôi đã mua chiếc nhẫn, sau đó tôi đưa cho bạn tôi mang đến vào cuối chặng đua. Thế vận hội dành cho người khuyết tật giống như một cuộc thi tuyệt vời, một nơi tuyệt vời để làm điều đó và cô ấy thật xinh đẹp”, anh nói.
Với Alessandro Ossola, màn cầu hôn như một điểm cuối của “vòng tròn” định mệnh mà anh đã trải qua, sau giai đoạn đen tối tưởng như nhấn chìm cuộc đời anh. Năm 2015, một vụ tai nạn xe máy đã cướp đi người vợ đầu tiên yêu dấu của Alessandro Ossola, và khiến anh mất đi phần lớn chân trái. Cuộc sống của cầu thủ bóng đá nghiệp dư sinh ra ở Turin hoàn toàn đảo lộn. Khi rời khỏi phòng khẫu thuật, anh cảm thấy rằng “xung quanh mình chỉ là bóng tối”. Một cuộc sống hoàn toàn khác với trước đây là điều anh phải đối mặt. Đó là một hành trình rất dài.
Nhưng nhờ thể thao, anh đã suy nghĩ tích cực hơn, đương đầu với khó khăn. Việc tập luyện như một vận động viên Paralympic giúp anh “tập trung vào tương lai”.
“Một số người có thể nói hôm nay không phải là một ngày tuyệt vời đối với tôi theo góc nhìn thể thao. Ở tuổi 36, tôi đã cạnh tranh với những người giỏi nhất thế giới và tôi thực sự tự hào về điều đó. Giờ thì tôi đã đi hết một vòng tròn. Tôi đã bắt đầu hành trình này cách đây nhiều năm, không chỉ trong thể thao và điền kinh, mà còn trong cuộc sống. Với những gì tôi đã đạt được trong những ngày cuối cùng tại Paralympic Paris, tôi cảm thấy như mình đã khép lại vòng tròn đó. Bây giờ, tôi đã sẵn sàng bắt đầu một con đường mới vì cuộc sống của tôi chưa kết thúc và tôi còn nhiều việc phải làm”.
Và cuộc gặp gỡ với Arianna khiến cuộc sống của Alessandro Ossola thêm ý nghĩa. “Mối quan hệ của chúng tôi giống như một cơn lốc xoáy vì mọi vận động viên đều cần những người xung quanh thúc đẩy họ”, Alessandro Ossola giải thích. “Đôi khi cô ấy tin tưởng tôi nhiều hơn tôi tin tưởng vào chính mình, và đó là điều thực sự tuyệt vời. ‘Anh có thể làm được, anh có thể thành công, anh có thể’, cô ấy luôn nói như vậy. Đây là điều mà mọi người đều cần, và tôi hy vọng rằng mọi người đều tìm thấy một người như cô ấy. Cô ấy là bạn đời của tôi … trọn đời.”
Alessandro đã ám chỉ rằng đây sẽ là Thế vận hội cuối cùng của anh với tư cách là một vận động viên điền kinh Paralympic. Nhưng, sự gắn bó giữa anh và thể thao chưa khép lại. Nhiều năm qua, song song với lịch trình thể thao dành cho người khuyết tật bận rộn, Alessandro đã thành lập một sân chơi padel (môn thể thao kết hợp giữa tennis và squash), và Bionic People- một hiệp hội phi lợi nhuận nhằm mục đích thay đổi những quan niệm sai lầm mà mọi người có về người khuyết tật.
“Tôi đã thành lập Bionic People cùng với hai người bạn tuyệt vời, Riccardo Cotilli và Chiara Bordi”, Alessandro nói. “Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi hạnh phúc, nhưng nhiều người xung quanh chúng tôi thì không. Chúng tôi nhìn thấy nỗi buồn trong mắt nhiều người khuyết tật và chúng tôi muốn làm điều gì đó. Nhóm của tôi đặt mục tiêu thay đổi nỗi buồn đó và thông qua câu chuyện của riêng mình, tôi hy vọng có thể cho thấy rằng sự đa dạng không phải là một hạn chế và đôi khi nó có thể là một sức mạnh”.