Trước tình hình bão số 3 dự báo ảnh hưởng đến Bắc Bộ, nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học, kiểm tra các nơi xung yếu, sắn sàng phương án phòng, chống.

Học sinh thành phố Thanh Hóa nghỉ học từ chiều 6/9

Ngày 6/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa vừa có Công văn số 813/PGD về việc khẩn trương ứng phó với cơn bão. Phòng yêu cầu Hiệu trưởng tất cả các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động từ chiều 6/9 đến hết ngày 8/9. Học sinh sẽ trở lại trường học bình thường vào ngày 9/9. Nếu bão số 3 diễn biến phức tạp hơn, Phòng sẽ thông báo tiếp.

Ứng phó bão số 3: Các địa phương cho học sinh nghỉ học, kiểm tra nơi xung yếu - Ảnh 1.

Các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện nội dung công điện của trung ương, tỉnh và thành phố về việc ứng phó với bão. Các trường học theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, ứng trực 24/24 giờ; giữ liên hệ thường xuyên với cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ để kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh biết chủ động phòng tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do ý thức chủ quan. Các nhà trường lên các phương án và kịp di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách, vở đến nơi an toàn đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Mục tiêu cao nhất là trong bất cứ tình huống nào cũng lấy đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ và hạn chế sự ảnh hưởng thấp nhất của bão đối với cơ sở vật chất và tài sản của nhà trường, cá nhân; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Các đơn vị phân công trực bão và đảm bảo thông tin thông suốt, thường xuyên báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Ứng phó với bão số 3: Các địa phương cho học sinh nghỉ học, kiểm tra nơi xung yếu - Ảnh 1.

Các Khu công nghiệp, Khu kinh tế tập trung chống bão số 3

Cũng trong ngày 6/9, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết đã lên kịch bản phòng, chống bão số 3 trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế tại thành phố.

Cụ thể, Ban chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện phương án phòng, chống bão và phân công nhiệm vụ đến từng lãnh đạo Ban Quản lý, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ban Quản lý; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, chủ đầu tư dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế lập phương án phòng, chống bão để đảm bảo an toàn cho con người, công trình, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, kho tàng, bến cảng và trụ sở làm việc của các cơ quan, trụ sở doanh nghiệp; hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo do lãnh đạo doanh nghiệp làm Trưởng ban chỉ đạo và lực lượng xung kích sẵn sàng hỗ trợ, ứng phó với bão số 3; thường xuyên nạo vét, khơi thông cống, rãnh thoát nước, hồ điều hòa để đảm bảo tiêu thoát nước.

Các công ty thường xuyên thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động; theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến của bão để chủ động phòng, chống; phân công thực hiện giằng, chống nhà xưởng, kho bãi, chặt tỉa cành cây; có phương án sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn; rà soát, bổ sung thiết bị, phương tiện phòng, chống bão; chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi bão đổ bộ.

Khi bão đổ bộ, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng yêu cầu các doanh nghiệp dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung chống bão. Các doanh nghiệp kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người lao động, không để người ở lại trong các công trình, nhà xưởng, nhà tạm, lán trại không an toàn… Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của các doanh nghiệp thường trực 100% tại trung tâm chỉ huy để thực hiện công tác di chuyển, cứu hộ cứu nạn; sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.

Ứng phó với bão số 3: Các địa phương cho học sinh nghỉ học, kiểm tra nơi xung yếu - Ảnh 2.

Kiểm tra khu vực xung yếu

Ngày 6/9, tỉnh Ninh Bình đã thành lập nhiều đoàn do các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các khu vực xung yếu. Để chủ động ứng phó với bão theo tinh thần “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”. Các đoàn đều đề nghị các địa phương, đơn vị không được lơ là, chủ quan, bị động, cần chuẩn bị tốt phương tiện, vật tư, phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các đoàn đã đi kiểm tra hệ thống thoát nước Khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh; phương án đảm bảo an toàn sự cố sạt lở mái đê Hữu đáy phía đồng ở xã Hùng Tiến; kiểm tra, xử ý sạt lở bờ Tả sông Vạc, huyện Kim Sơn; đảm bảo an toàn cho các hộ dân lòng hồ Thường Xung, tuyến đường Đông Tây, đê hồ Yên Quang, huyện Nho Quan. Cùng với đó là kiểm tra công tác chuẩn bị vận hành Tràn Lạc Khoái khi trên sông Hoàng Long xuất hiện lũ tại Bến Đế vượt mức; kiểm tra tại Âu Chanh, huyện Nho Quan. Ngoài ra, các đoàn đã kiểm tra một số điểm du lịch đảm bảo an toàn cho du khách; phương án tiêu thoát nước, tiêu úng cho diện tích nông nghiệp tại huyện Yên Mô,…

Kiểm tra tại huyện Kim Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Mai Văn Tuất đánh giá, qua kiểm tra các điểm xung yếu ghi nhận các lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng, triển khai biện pháp phòng, chống bão. Ông đề nghị, các cấp, ngành nhất là chính quyền địa phương và lực lượng hiệp đồng bám sát thông tin để triển khai các phương án phòng, chống bão hiệu quả nhất. Mỗi nhà mỗi người phải có ý thức phòng, chống bão đảm bảo tính mạng, tài sản cho gia đình, cộng đồng. 

Các cấp, ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của bão số 3; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ); đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Các cấp, ngành, chính quyền cần có phương án chủ động, không để bị động, bất ngờ; đối với các điểm xung yếu cần triển khai ngay phương án xử lý cấp bách và đảm bảo lực lượng trực 24/24 giờ để chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.

Chủ đề:
Thẻ:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *