Tại giải cờ thế giới Olympiad vừa kết thúc ở Budapest (Hungary) đại kiện tướng Lê Quang Liêm, đã xuất sắc lọt vào tốp 13 thế giới theo cách tính điểm của FIDE (Liên đoàn Cờ vua thế giới). Trước đó, Liêm xếp ở vị trí thứ 27.
Hôm qua (24/9), đoàn cờ vua Việt Nam (với 15 VĐV cả nam và nữ) trở về nước, nhưng không một quan chức chuyên môn nào ra đón, ngoài những người thân. Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, ông Phạm Văn Tiền, thừa nhận, đó là do thiếu sót của chính ông và bộ phận hậu cần, song cơ bản là bởi tính ông cũng không thích “phông bạt”!
Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông Phạm Văn Tiền đã phải họp dã chiến với đại diện của Khu du lịch Khách sạn Hồ Tràm tại quán cà phê cạnh sân bay, nhằm chuẩn bị cho các gói tài trợ với Liên đoàn Cờ Việt Nam ở giai đoạn kế tiếp. Trước đó, 15 VĐV cờ vua Việt Nam đi Hungary với toàn bộ chi phí di chuyển (vé máy bay) được HD Bank đài thọ, khoảng 600 triệu đồng (40 triệu/người).
Tại Hungary (với sự tham dự của 197 quốc gia và vùng lãnh thổ), nếu chỉ tính thành tích cá nhân như của Lê Quang Liêm, Trường Sơn hay Tuấn Minh, chúng ta hoàn toàn có thể tính đến thứ hạng trong nhóm đầu cá nhân. Nhưng Olympiad tập trung chủ yếu vào nội dung đồng đội, cả nam lẫn nữ, nên xếp thứ 27 toàn đoàn trên tổng số gần 200 liên đoàn cờ quốc gia cũng là rất khá rồi.
Đại hội Liên đoàn Cờ thế giới FIDE 2024 được tổ chức tại Hungary, trùng với thời điểm diễn ra Olympiad. Nhiều VĐV Việt Nam, ví như Lê Quang Liêm hay Nguyễn Ngọc Trường Sơn thậm chí phải bỏ tiền túi ra để làm visa (cho người thân), chứ đừng nói chuyện chế độ (vài triệu đồng/người). Riêng Quang Liêm, quãng thời gian đi Hungary đấu cho Việt Nam, anh đã chịu thiệt thòi đến 2/3 khoản thu nhập giảng dạy ở Mỹ (tương đương với trên dưới 200 triệu đồng, khi lương của Quang Liêm tại Mỹ là 320 triệu đồng/tháng).
Bình thường người hâm mộ thể thao Việt Nam vẫn chỉ biết đến bóng đá, với chế độ đãi ngộ cao ngút, chứ ít màng tới các bộ môn khác. Cờ vua Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, cũng đã tạo được vị thế nhất định trên trường quốc tế, song so với mặt bằng chung các môn thể thao đỉnh cao khác tại Việt Nam, vẫn chỉ là trong ngõ, trong hẻm.
Năm 2012, PV Thể thao & Văn hóa từng có dịp cùng Lê Quang Liêm, VĐV duy nhất của Việt Nam, tham dự lễ rước đuốc Olympic London trên đất Anh. Liêm khi ấy vẫn còn rất trẻ và mới đạt đẳng cấp Siêu đại kiện tướng, nhưng đã rất được trọng vọng. Xem Quang Liêm cầm ngọn đuốc Olympic chạy trên các cung đường ở Manchester, Yorkeshire và Đông Bắc nước Anh… mới thấy tự hào.
Thể thao thế giới nói chung không coi trọng hay xem nhẹ môn thể thao nào, màchỉ cần bạn giỏi nhất. Như VĐV cờ vua trẻ Nguyễn Anh Khôi, từng từ chối hơn 10 trường đại học danh tiếng trên thế giới để ở lại Việt Nam gắn bó với Vingroup, cũng là có lý do, nói gì đến Trường Sơn hay Lê Quang Liêm.
Với bộ môn cờ vua, không nhất thiết phải trọn đời thi đấu cho màu cờ sắc áo một quốc gia cụ thể. Quang Liêm sống và làm việc tại Mỹ, nhưng anh vẫn quay về thi đấu cho quê hương, là vì niềm tự hào dòng máu đỏ chảy trong huyết quản. Nói thế để thấy rằng, chúng ta cũng cần phải thay đổi. Với các môn thể thao mang tính cá nhân như cờ vua, không nên mãi trông vào tình cảm của VĐV.