Site icon GK88

Bóng đá Việt Nam: Ứng xử thế nào với ‘hoàn lưu bão’?

Bóng lăn trong tuần: Ứng xử thế nào với "hoàn lưu bão"? - Ảnh 1.

Hàng loạt cây cổ thụ quý trăm năm tuổi ở Hà Nội bị bật gốc do bão Yagi gây ra, quả rất đáng tiếc. Trong khi người dân phải tích cực dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, ruộng vườn, thì hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa trên diện rộng ở phần lớn khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ trong ít nhất một vài ngày nữa, thậm chí có thể có một cơn áp thấp khác sau bão…

Có lẽ rất lâu rồi, Hà Nội nói riêng và đồng bằng Bắc bộ nói chung mới phải đón một cơn bão có sức công phá mạnh đến như vậy, nên không quen cảm giác. Còn khu vực miền Trung, nói chung bão lũ hay sạt lở thì thường xuyên. 20 năm qua, người Huế và Đà Nẵng hẳn vẫn chưa quên ký ức Xangsane, với tâm bão đổ vào Bắc và Nam đèo Hải Vân năm 2006.

Siêu bão Xangsane đã làm tốc một góc mái SVĐ Chi Lăng huyền thoại, bao mái nhà khác tôn bay như lá vàng vào thu, còn đường phố thì chao ôi là những gốc cây bật gốc, cột đèn bị ngả. Người viết đã từng trải qua cảm giác “nội bất xuất” khi ấy.

Nhưng, trong gian khó con người ta mới lại càng vươn lên mạnh mẽ. Bóng đá Đà Nẵng thực sự đã cất cánh từ chính thánh địa Chi Lăng vào giai đoạn 2007-2012, với 2 chức vô địch V-League, trở thành một trong những đội bóng giàu thành tích nhất và mạnh nhất giải đấu cao nhất Việt Nam. Các chiến tích ấy gắn liền với HLV Lê Huỳnh Đức, cùng một thế hệ cầu thủ tài năng của bóng đá Đà thành.

Ngay lúc này, bóng đá Việt Nam cũng đã và đang trải qua một cơn bão khác, mà sức “tàn phá” của nó thậm chí còn chưa đo được mức độ thiệt hại. Đấy là cuộc khủng hoảng niềm tin, là cơn bão trong lòng người hâm mộ. Bằng chứng là họ đã chỉ đến sân Mỹ Đình rất hạn chế trong trận giao hữu với đội tuyển Nga ở LPBank Cup 2024.

Mặt sân xấu, cầu thủ Việt Nam không hiểu hết kỹ năng và nguyên tắc chơi bóng hay sai lầm của Đặng Văn Lâm, dẫn đến bàn thua thứ 2?! Là tất cả. Sân mấp mô, không chỉ khu vực 16m50, cho thấy sự cẩu thả trong công tác duy tu, thuộc các hạng mục tổ chức thi đấu, song về nguyên tắc trong bóng đá, Văn Thanh không được phép trả ngược trực diện về khung thành ở cự ly và khoảng cách ấy, còn thủ môn Đặng Văn Lâm thì lại không mạnh ở kỹ năng chơi chân.

Chưa bao giờ trong lịch sử, kể từ khi hội nhập trở lại, bóng đá Việt Nam lại thua nhiều và thua liên tiếp như thế, tại hệ thống các giải đấu chính thức và tập huấn quan trọng.

Sau trận đấu với Thái Lan buộc phải hủy do bão, Nga đã về nước sớm, có lẽ họ cũng đã rất thất vọng với trình độ của đội chủ nhà (và có thể cả Thái Lan) ở giải mời lần này. Pha đan bóng xuống tận đáy biên, trả ngược, dẫn đến bàn thắng thứ 3 của đội tuyển Nga thường chỉ thấy ở sân 7 hay sàn futsal, mà cầu thủ Nga vẫn thực hiện nó dễ dàng như mở bàn tay. Đấy chính là sự khác biệt quá lớn về đẳng cấp.

Bóng đá Việt Nam hẳn vẫn giữ tham vọng dự VCK FIFA World Cup? Chắc sẽ phải mất rất, rất nhiều năm nữa, nhờ những chiến lược bài bản khác, chứ nếu cứ như thế này thì rất khó. Hoàn lưu sau bão thua 0-3 trước đội tuyển Nga, liệu có thể được khắc phục ngay ở trận tiếp Thái Lan tới đây, hay nỗi buồn và sự thất vọng lại tiếp tục bị đào sâu?

Thời gian không phải phương thuốc chữa lành nữa, mà chúng ta phải hành động.

Exit mobile version