“Tôi viết vì muốn giữ lại hồn cốt của những khu rừng và vùng văn hóa rừng, nơi tôi gọi là những giấc mơ rừng” – Hữu Vi, tác giả của tản văn Vào Hạ (Tiếng Việt 5, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo) chia sẻ về tác phẩm và con đường văn chương của mình.
“Thấy trong thời gian ngắn mà có 4 tập sách xuất bản, vẫn còn một vài bản thảo nữa, nhiều người tưởng tôi viết dễ dàng, nhưng để có được những tập sách này là cả một quá trình lâu dài. Những bài ký được thực hiện từ những chuyến đi trong khoảng 6 năm. Thơ là kết quả của những cảm xúc đến bất chợt. Còn tập truyện thiếu nhi Những giấc mơ rừng phải mất gần 10 năm, nhưng khi in ra chỉ vẻn vẹn chừng 80 trang, cả tranh minh họa” – Hữu Vi chia sẻ.
Cầm cuốc trước, cầm bút sau
* Anh từng chia sẻ nhà thơ Hoàng Cát là người vô tình đưa mình đến trường văn. Kỷ niệm ấy như thế nào?
– Trước khi đi học viết văn ở Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi là một nông dân. Học xong phổ thông, thi rớt, tôi ở nhà làm rẫy nuôi gà, trồng mía, chăn một đàn trâu bò. Tôi ở một căn chòi lợp lá trong thung lũng biệt lập, cách nhà gần một giờ đi bộ. Ở đó suốt 4 năm, tôi chỉ có chiếc radio để cập nhập thông tin, thi thoảng có mượn được sách báo. Trong hệ thống chương trình của nhà đài, tôi thích nghe mảng văn nghệ, vì bản thân cũng ham viết lách. Hồi lớp 8 tôi từng có thơ đăng báo, nhưng sau đó bỏ bẵng một thời gian dài. Khi ở rẫy, tôi có thời gian chiêm nghiệm và đã viết trở lại.
Khi đó Đài tiếng nói Việt Nam là nơi cộng tác duy nhất của tôi. Cũng trong thời gian này, tôi biết đến chương trình văn nghệ thiếu nhi của nhà đài và có gửi cộng tác. Trong đó có mục Trang viết đầu tay dành cho người viết nhỏ tuổi và cứ mỗi tháng một lần nhà thơ Hoàng Cát lại nhận xét về những bài viết gửi về. Tôi đã nghe khá chăm chú và nhận ra ông rất tận tâm với những người viết nhỏ tuổi. Ông chịu khó nhận xét từng bài viết, điểm mạnh, yếu của từng bài. Bài tốt, khá, tạm được… Bắt gặp ý thơ lạ, câu thơ hay, ông nêu lên sóng để động viên người mới viết.
Lúc đó đã ngoài 20, tôi biết mình chẳng còn nhỏ tuổi, nhưng vì muốn được Hoàng Cát góp ý bài viết, nên đã “đóng giả” thiếu nhi gửi đến một số lần. Trong một buổi phát thanh ông đã nhắc đến tên tôi và cho rằng “Có vẻ như em không còn ở độ tuổi của trang viết đầu tay, vì lối viết đã có nghề”. Tôi rất xấu hổ, từ đó chỉ gửi cộng tác bình thường, không gửi chuyên mục dành cho thiếu nhi nữa.
Sau buổi phát thanh, tôi viết thư cho Hoàng Cát kể về ước mơ và niềm đam mê viết lách. Không lâu sau tôi nhận được thư hồi âm có kèm tập thơ Thì hãy sống của ông. Trong thư ông có nhắc đến Trường Viết văn Nguyễn Du, khuyên tôi có thể thi vào và theo học. Đó là lần đầu tôi biết về ngôi trường vốn nổi tiếng này. Nhưng ngày đó mạng Internet chưa phổ biến, nên thông tin tôi có được rất ít ỏi. Nhờ những chỉ dẫn qua thư của nhà thơ Hoàng Cát tôi dần hình dung ra làm sao để trở thành một học viên viết văn. Đến năm 2005, Khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình văn học (vốn là trường Viết văn Nguyễn Du trước đây), thuộc Đại học Văn hóa Hà Nộimở khóa tuyển sinh, tôi đã trúng tuyển.
Đó là lý do tại sao tôi nói rằng nhà thơ Hoàng Cát là người đã vô tình đưa tôi đến với trường viết văn. Khi ra Hà Nội học, tôi đã không có nhiều cơ hội tiếp xúc với ông, nhưng vẫn luôn nhớ về một Hoàng Cát đầy nhiệt huyết với người viết trẻ.
* Đa số bạn bè học viết văn Nguyễn Du đều bám trụ lại Hà Nội hoặc vào TP.HCM làm báo, làm sách. Anh chọn quay về quê, một miền hẻo lánh của xứ Nghệ. Có lý do đặc biệt nào không?
– Kỳ thực mà nói tôi từng gắng bám trụ lại và đã có một thời gian ngắn làm sách ở Hà Nội. Đó là một giai đoạn khó khăn, nhưng cũng nhiều niềm vui. Tôi học được nhiều điều từ những người làm sách, nhưng tôi cũng nhận ra nếu cứ bám trụ lại Hà Nội lâu dài sẽ không ổn khi thu nhập từ việc làm xuất bản vốn ít ỏi. Sau giờ làm, tôi thường nhảy xe buýt đi viết báo, đưa tin về các sự kiện diễn ra về đêm. Ngày nghỉ thì theo chúng bạn đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ để viết bài cộng tác với các báo. Nhờ thế biết được cuộc sống khá nhiều nơi.
Đến cuối năm 2011 tôi quyết định về Nghệ An làm việc trong vai trò gọi là “cộng tác viên đặc biệt”. Suốt 8 năm như thế tôi có điều kiện lặn lội khắp các làng xã, bản mường từ đồng bằng đến miền núi đưa tin, viết bài. Đó cũng là vốn sống để sau này tôi viết sách khi nghỉ làm “cộng tác viên đặc biệt”. Nhờ quãng thời gian đó mà sau này tôi đã hoàn thành được 2 tập ký, 1 tập truyện thiếu nhi và 1 tập thơ.
* Sau hơn 10 năm gắn với quê, làm một người viết tự do, anh thấy thế nào?
– Tôi vốn xuất phát từ việc viết tự do và đó là thứ đã lựa chọn tôi, nhưng viết tự do thực sự thì từ năm 2022. Nó liên quan đến nhiều thứ như hoàn cảnh sống, sức khỏe và cả bản tính cá nhân. Suy cho cùng thì viết với bất cứ ai cũng là một hoạt động tự thân và tự do. Khi hoạt động báo chí, trong mỗi chuyến thâm nhập thực tế để viết tin bài, tôi đã xác định mình cần tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn để phục vụ việc viết sách sau này.
Từ câu chuyện, con người được tiếp xúc thường gợi lên cho tôi những ý tưởng viết truyện, tản văn, viết ký, thậm chí là những tứ thơ.Ý tưởng làm sách cũng thường xuất hiện trong những chuyến đi tác nghiệp, hoặc khi đi bộ về đêm. Tôi tập trung viết sau khi đã xong nhiệm vụ của một người viết báo.
Những khó khăn của một người viết tự do đương nhiên vẫn là thu nhập. Thời còn viết báo, tôi có được hưởng lương, có nhiệm vụ hàng ngày. Khi về viết tự do tôi phải đặt ra cho mình những nhiệm vụ riêng và vì viết tự do, viết theo ý mình, đôi khi chẳng màng đến chuyện có nơi nào đăng hay không.
Viết tự do thoải mái thật, viết phiêu thật, nhưng đôi khi cũng không phải phù hợp với tất cả những nơi tôi cộng tác. Nhiều bài bị gác lại. Những bài viết đó có thể phù hợp hơn khi in sách. Nhưng cũng vì thế mà thu nhập bị ảnh hưởng.
Tôi bù lại thiếu hụt đó bằng cách nuôi thêm gà, trồng rau, trồng lúa… Về mặt nào đó, hiện giờ tôi đã trở lại với cuộc sống trước khi cầm viết, đó là cầm cuốc, nhưng có điều qua năm tháng tôi viết hiệu quả hơn, chứ không tùy hứng như trước đây nữa.
Gần như chưa bao giờ rời xa những khu rừng
* Những câu chuyện rừng là điểm nhấn trong văn thơ Hữu Vi. Chia sẻ về giấc mơ rừng của anh nhé?
– Từ khi bắt đầu biết cảm nhận về cuộc sống, tôi chưa bao giờ rời xa những khu rừng. Kể cả những năm ở thành thị, tôi cũng chỉ như một người ở rừng lạc về phố. Người ta dễ dàng nhận ra tôi là một gã miền núi về phố trong lần đầu tiếp xúc. Và viết về rừng, nói rộng một chút là viết về văn hóa miền núi, là sở trường của tôi.
Ngoài rừng xanh suối trong, thác ngàn gió núi, thì có cả một vùng văn hóa luôn sống trong tôi.Đó là những ngôi làng toàn nhà sàn, ở đó người ta chỉ ăn xôi, làm rẫy, săn thú, đốn gỗ, hát dân ca, đánh cồng chiêng và những lễ hội… Tôi đã mang những thứ đó vào văn chương như người miền xuôi mang quan họ, hát chèo, hát bội, hát xoan, hò vè, ví giặm vào văn chương vậy. Khung cảnh và vùng văn hóa nơi tôi sống ngày nay cũng đang có những mai một, biến đổi. Tôi cũng viết về những điều này bằng điểm nhìn đa dạng hơn.
Có thể nói tập sách nhỏ Những giấc mơ rừng là các chấm phá trải rộng khắp các vùng miền núi mà tôi đã đi qua. Dưới điểm nhìn của một chú bé người Thái, tôi cố gắng viết gãy gọn, gần gũi, câu cú chân phương để hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi và gửi gắm nơi các bạn ấy tình yêu thiên nhiên và sự đa sắc về văn hóa.
* Tác phẩm “Vào Hạ”trongsách giáo khoa được anh viết như thế nào?
– Đây là tác phẩm đầu tiên của tôi xuất hiện ở sách giáo khoa. Nó xuất phát từ một câu chuyện trong tập Những giấc mơ rừng. Nhưng khi vào sách tôi đã có những chỉnh sửa để phù hợp hơn với chủ đề của nhóm biên soạn. Đó là khung cảnh một ngày đầu Hạ ở rừng, có tiếng của bầy sẻ cổ đỏ, nhạc ve, buổi học cuối năm…
Đó là một bức tranh vừa quen vừa lạ về mùa Hạ miền núi. Nó có thể vẫn hiện hữu đâu đó, dễ bắt gặp lắm, nhưng cũng có thể là một hoài niệm về những buổi mai yên bình nơi dốc núi tuổi thơ của chính tôi. Những ngày Hè ngát xanh và vui vẻ, tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc nhỏ tuổi xa gần, với ước mong niềm vui và nụ cười sẽ luôn hiện hữu trên gương mặt các bạn.
* Cảm ơn anh!