Site icon GK88

Sôi động những cuốn sách mùa khai trường

Sôi động những cuốn sách mùa khai trường - Ảnh 1.

Tháng 9 là thời điểm bắt đầu của một năm học mới, và cũng là thời điểm các đơn vị xuất bản tăng tốc để đưa ra thị trường những ấn phẩm quan trọng trong dịp cuối năm. Và trong năm 2024 này, độc giả có thể nhận ra nhiều xu thế vừa lạ, vừa quen từ những cuốn sách mới xuất bản.

1. Trước tiên, phải nhắc tới Núi thần, tiểu thuyết kinh điển của nhà văn người Đức đoạt giải Nobel Văn học Thomas Mann. Với tổng độ dày hai tập trên ngàn trang, đây từng là tác phẩm độ sổ nhất trong tủ sách Cánh cửa mở rộng của NXB Trẻ. Sau khoảng 10 năm, tác phẩm vừa tái bản.

Trước Núi thần, nhiều đầu sách cũng thuộc tủ Cánh cửa mở rộng cũng được tái bản như Chết ở Venice, Khởi sinh của cô độc, Huyền thoại Sisyphe, Lũ mục đồng… Khi ra mắt lần đầu, tủ sách này đã nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Nhưng sau một thời gian, cánh cửa vốn mở rộng này đành khép lại.

Có lẽ tiếp nối thành công của tủ sách này, NXB Trẻ tổ chức tủ sách Văn học kinh điển, với ba tác phẩm “chào sân”: Vầng trăng và sáu xu của W. Somerset Maugham, Suy đồi và sụp đổ của Evelyn Waugh và Xuân tình của Ernest Hemingway.

Cả ba tác giả này đều không quá xa lạ với độc giả Việt Nam. Đơn cử, tiểu thuyết Vầng trăng và sáu xu (The moon and sixpence) của W. Somerset Maugham cũng có nhiều bản dịch tiếng Việt. Riêng tác phẩm này, hiện có ba bản dịch đang xuất hiện cùng lúc.

Điểm qua các tác giả được giới thiệu trong tủ sách Văn học kinh điển này có thể thấy những tên tuổi nổi tiếng như Pearl S. Buck, F. Scott Fitzgerald, Edith Wharton. Trước đây sách của họ cùng từng được dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam.

Xuất hiện riêng lẻ hơn, có thể kể đến tiểu thuyết Hoang mạc Tartar (Phoenix và NXB Đà Nẵng ) của Dino Buzzati qua bản dịch mới của Hương Châu.

Dòng văn học kinh điển thường được nhìn nhận là kén người đọc, nhưng sự xuất hiện của các tác giả “quen mà lạ” nói trên cho dòng sách này vẫn nhận được sự quan tâm độc giả.

Các tác phẩm tái bản đã chứng minh sức sống của mình. Kể cả những tác phẩm tưởng chừng quá quen thuộc nhưng khi xuất hiện trong diện mạo mới vẫn tạo ra được những hiệu ứng tốt trong cộng đồng độc giả.

Chẳng hạn như tập tản văn Ngày mai của những ngày mai của Nguyễn Ngọc Tư. Trước đây, tác phẩm này từng được nhiều nhà xuất bản khác phát hành. Nhưng sau khi NXB Trẻ in lại, nó vẫn được bạn đọc đón nhận khá tốt. Đây cũng là nhà xuất bản in nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư nhất ở Việt Nam.

Bên cạnh trường hợp Nguyễn Ngọc Tư, có thể kể đến các tác giả như Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Sơn Nam, Vương Hồng Sển. Ba tác giả quá cố này đều có những công trình biên khảo, ký, tạp bút đã hình thành một sự nghiệp đồ sộ. Điển hình, nhiều tác phẩm của học giả Vương Hồng Sển được tái bản trong diện mạo mới, bìa cứng, in ấn trang trọng, giúp cho việc đọc tác giả này được toàn diện và hệ thống hơn.

Cũng cần nhắc bộ đôi tác giả quen mà lạ khác là Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Dù đã đi xa nhiều năm, nhưng những tác phẩm của hai vợ chồng vẫn được tái bản, nhận được sự quan tâm, yêu thích. Tác phẩm Những ô cửa gió lộng (NXB Kim Đồng) là hồi ức của Lưu Tuấn Anh, con trai Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ chia sẻ với bạn đọc những kỷ niệm về gia đình, về cuộc đời cũng như thơ ca cặp đôi tài hoa của văn học Việt Nam.

2. Những năm gần đầy, thị trường sách thiếu nhi ở Việt Nam khá sôi động, với sự tham gia tích cực của các nhà xuất bản lẫn các đơn vị làm sách tư nhân. Không chỉ văn học dịch, văn học trong nước viết cho thiếu nhi cũng xuất hiện nhiều tác phẩm mới, cũng như một đội ngũ mới các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi cũng bắt đầu hình thành diện mạo riêng.

Trong thời gian qua, các tác giả mới lẫn đã thành danh lần lượt cho ra mắt các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Nguyễn Quang Lập với Thám tử Hai Da, Tàu Lá Chuối và thằng Giôn, Y Ban với Tớ tên là Hy Vọng, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với Cuốn cổ thư của một mẫu thần, Cao Nguyệt Nguyên với Lũ quỷ nhỏ xóm trọ Thành Công, Vũ Ngọc Giao với Một vì sao không bao giờ khóc. Chúng cho thấy sự tiếp nối giữa các thế hệ tác giả Việt Nam viết cho thiếu nhi.

Bên cạnh đó, độc giả mùa tựu trường này cũng có cơ hội được thấy nhà văn Trần Thị NgH trong vai trò dịch giả của bộ ba cuốn sách thiếu nhi Momo, Hoàng Tử Bé xóm Cúc Lam; Momo, cư dân xóm Hoa Mào Gà và Vòng nguyệt quế cho Momo (NXB Kim Đồng) của nhà văn Pháp, Yaël Hassan.

Sách cho thiếu nhi hiện nay không chỉ gói gọn trong văn học, mà đa dạng về thể loại, độ tuổi của độc giả cũng phong phú hơn, phân loại độ tuổi cũng chặt chẽ hơn.

Đơn cử, đó là loạt sách chuẩn bị tâm lý cho các bạn mới bước vào môi trường học đường như bộ Trường học tuyệt vời của NXB Kim Đồng (gồm 4 cuốn: Thư cô gửi em ngày khai giảng, Trường chúng mình là một gia đình, Lớp chúng mình là một gia đình, Thư cô gửi em ngày bế giảng). Hay bộ sách 12 lý do: 12 lí do vì sao phải học, 12 lý do vì sao trường học rất thú vị, 12 lý do vì sao sách thú vị hơn điện thoại.

Hoặc, phải kể đến những tác phẩm khoa học thường thức của NXB Kim Đồng như Lược sử toán học – từ ý tưởng đến thực hành hay tác phẩm dí dỏm về hóa học trong đời sống hằng ngày của tác giả Nguyễn – Kim Mai Thi, Ngộ quá, cái gì cũng hóa. Rồi, bộ sách 10 tập Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (NXB Trẻ) gồm 100 câu hỏi về các thời kỳ lịch sử nước ta.

Mùa sách nhân dịp tựu trường được hy vọng sẽ tạo động lực cho ngành xuất bản vốn thời gian qua đang gặp những thách thức do tình hình kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có nhiều cơ hội, đầu sách, để chọn lựa, góp phần khuyến khích văn hóa đọc nước nhà.

Hồi ký 50 năm mê hát của học giả Vương Hồng Sển xuất bản lần đầu ở Sài Gòn năm 1968, tình cờ đúng dịp kỷ niệm 50 năm cải lương ra đời. Ngày nay, khi cải lương đã trăm tuổi, sự trở lại của Hồi ký 50 năm mê hát (NXB Trẻ) quả có ý nghĩa đặc biệt, góp thêm một góc nhìn của “chứng nhân lịch sử” với sự hình thành và phát triển của một loại hình sân khấu nghệ thuật độc đáo.

Exit mobile version