Những năm qua, tại Việt Nam đã ghi nhận 20 trên 21 loại hình thiên tai, thảm họa thiên nhiên xảy ra trên phạm vi cả nước, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt với các nhóm dân cư có tính dễ bị tổn thương cao.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2011 – 2022, thiệt hại về kinh tế do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD.
Xác định việc gia tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành vấn đề sống còn đối với Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều hành động quan trọng.
Một trong những điểm nổi bật nhất trong nỗ lực thích ứng của Việt Nam cho đến thời điểm này là ban hành và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP). Đây là căn cứ để lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, ngành và địa phương.
Sau khi Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành, các bộ, ngành và địa phương đã có cơ sở xây dựng và triển khai các hoạt động thích ứng trong phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia. Hệ thống nhằm giám sát, đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp cơ sở cho việc quản lý, điều phối và thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng phần mềm báo cáo trực tuyến để hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác báo cáo kết quả giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng.
Đại diện các Bộ cũng nêu các thách thức trong quá trình triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như thiếu định mức kinh tế kỹ thuật gây khó khăn trong việc xác định chi phí đầu tư cho thích ứng biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong các chương trình, dự án chưa mang tính thực chất và ứng dụng cao; khó khăn trong việc đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu. Một vấn đề nữa đặt ra, đó là lồng ghép giới và các yếu tố xã hội trong thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả đánh giá ban đầu đối với báo cáo tình hình triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 18 Bộ và 44 tỉnh/thành phố cho thấy, chỉ có 3/18 Bộ, 12/44 địa phương đề cập đến giới/các đối tượng dễ bị tổn thương trong kế hoạch hành động của mình.
Trong số này, 2 Bộ và 5 địa phương đề cập một cách rõ ràng. Chỉ có 3 địa phương đề cập đến sự đóng góp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để triển khai thích ứng biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép nội dung này còn hạn chế do các hướng dẫn quốc tế chưa thực sự phù hợp với điều kiện về dữ liệu và nhân lực của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nhằm nghiên cứu, đề xuất kinh phí để triển khai các hoạt động thích ứng phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn về biến đổi khí hậu cho các địa phương thông qua các buổi hội thảo, khóa tập huấn về pháp luật biến đổi khí hậu.