Site icon GK88

Vụ HLV Lee Carsley không hát quốc ca: Cơn bão trong tách trà

Vụ HLV Lee Carsley không hát quốc ca: Cơn bão trong tách trà - Ảnh 1.

Kỉ nguyên mới của Anh khởi đầu bằng chiến thắng 2-0 trước Cộng hòa Ireland tại UEFA Nations League, cùng một tranh cãi kép về việc HLV tạm quyền Lee Carsley ngồi nhầm chỗ, và điều sau còn kinh khủng hơn: Ông không hát quốc ca Vương quốc Anh.

Đã có một cuộc tranh cãi dữ dội về tính đúng đắn trước quyết định im lặng của HLV 50 tuổi này, nhưng phần lớn người dân xứ sở sương mù không chấp nhận điều này và phản ứng của họ cũng gay gắt không kém việc tẩy chay Hoàng tử Harry.

Sự phóng đại của người Anh?

“Là HLV đội tuyển Anh, hát quốc ca là điều bắt buộc, dù bạn là ai và bạn đến từ đâu”, cựu cầu thủ Ian Wright khẳng định. “Tôi thông cảm với anh ấy. Đó là cơn bão trong tách trà”. Nhưng Jamie O’Hara của TalkSport, một cựu cầu thủ bóng đá Premier League khác, mỉa mai: “Bạn vừa mất cả đất nước trước khi kịp đá một quả bóng. Cảm ơn vì đã đến, Lee”.

Với nhiều người, không thể có một HLV gốc Anh mà không hát quốc ca. Điều đó là sự xúc phạm và sẽ trở thành một sự phân tâm lớn. Bởi vì, quốc ca là biểu tượng của lòng tự hào và lòng yêu nước. Quyết định không hát quốc ca hiển nhiên bị coi là thiếu tôn trọng. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng có nên hát quốc ca hay không là lựa chọn cá nhân.

Vì vậy, phản ứng của công chúng Anh đã bị chia rẽ sâu sắc, một số thấy không có vấn đề gì, trong khi những người yêu nước khác yêu cầu sa thải Carsley ngay lập tức. Đây là một số bình luận tiêu biểu của nhóm yêu nước của xứ sở sương mù: “Ông ấy không thể làm HLV đội tuyển Anh nếu từ chối hát quốc ca”, hoặc “Hãy sa thải ông ta ngay. Tôi không muốn bất cứ ai dẫn dắt Tam sư mà không hát quốc ca”.

Một cựu HLV của Anh là Fabio Capello cho biết, ông cảm thấy không ổn khi hát bài God save the Queen. Trong khi đó, cố HLV người Thụy Điển Sven Goran Eriksson, người dẫn dắt đội tuyển Anh từ năm 2001 đến năm 2006, đã cố gắng hát một chút. Dù không định nghĩa một chút đấy là vài từ hay mấy câu hoặc một đoạn nhạc.

Phản ứng của Lee Carsley trước áp lực dư luận là khá yếu ớt: “Tôi luôn thực sự tập trung vào trận đấu và những hành động đầu tiên của mình. Tôi thực sự thấy rằng trong khoảng thời gian đó, tôi luôn cảnh giác về việc tâm trí mình đang lang thang. Tôi thực sự tập trung vào bóng đá và đã áp dụng điều đó vào công việc huấn luyện”.

Thật không may với Carsley, ông rơi vào một tình huống với hệ quy chiếu mang tính đạo đức đối với người Anh, hơn là được tiếp cận ở góc nhìn khác. Tại sao người này bị chỉ trích (Lee Carsley) và người kia thì không (Capello và Eriksson), dù họ có cùng một quyết định như nhau?

Nicky Butt, Paul Scholes hay Gary Neville đều không hát quốc ca. Lewis Hamilton chưa từng bị công kích dù thậm chí còn chê quốc ca Anh quá ngắn để hát. Nhà vô địch Olympic Paris 2024 Kelly Hodgkinson hay cựu đội trưởng đội thể thao được ưa thích khác cricket là Eoin Morgan cũng chưa từng bị chống lại vì không hát quốc ca.

Cần nhớ, người phát ngôn của FA cho biết vào năm 2012: “Việc một cầu thủ có muốn hát quốc ca hay không hoàn toàn là lựa chọn cá nhân”.

Vì sao là Lee Carsley?

Lee Carsley sinh ra ở Birmingham, trưởng thành từ Derby County, có ông bà nội là người Ireland. Vì thế, ông đủ điều kiện và quyết định thi đấu cho đội tuyển có biệt danh Boys in Green. Lee Carsley ra mắt lần đầu tiên vào năm 1997 và tham dự World Cup 2002 dưới thời Mick McCarthy. Sau 40 lần khoác áo đội tuyển Ireland, ông từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế vào năm 2008 trong trận giao hữu với Brazil.

Giống như khoảng một nửa số người trong một thế giới phẳng hiện tại, các đường biên giới về quốc tịch và nguồn gốc hầu như bị xóa bỏ bởi làn sóng dịch chuyển nhân khẩu ngày càng nhiều. Trong thế giới bóng đá nói chung, có đầy rẫy những trường hợp như vậy mà không ai nói anh ta là kẻ mất gốc hoặc không yêu đất nước hay nguồn gốc của mình. Chẳng hạn, tuyển thủ Tây Ban Nha Nico Williams là người gốc Ghana nhưng chọn đội bóng xứ đấu bò, trong khi người anh trai Inaki Williams quyết định khoác áo đại diện châu Phi. Trường hợp của anh em nhà Kevin Boateng hay Jerome Boateng cũng như vậy.

“Tôi rất tôn trọng cả hai bài quốc ca và hôm nay tôi sẽ đứng đó một cách tự hào. Tôi nghĩ mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến của mình và với tư cách là một cầu thủ ra mắt vào năm 1997, hoặc bất cứ khi nào, tôi hoàn toàn tập trung vào trận đấu”, Carsley nói trước chuyến đi tới Dublin, điều mà ông vẫn làm khi còn là cầu thủ của đội tuyển nước này hay là HLV của đội U21 Anh.

Có vẻ như nó đã thổi lên ngọn lửa xung đột về ý thức hệ và ngay lập tức dẫn đến cuộc chiến ngoài bóng đá. Lee Carsley có tình yêu thật sự đối với cả hai quốc gia và đó là điều không nên bị chỉ trích. Nhưng người Anh nói chung buộc ông phải lựa chọn rõ ràng giữa hai màu áo, vì đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với quê hương của bóng đá.

Xem tiếp thông tin bóng đá Anh TẠI ĐÂY

Exit mobile version