Ngân hàng trực tuyến Starling Bank của Anh vừa cho biết hàng triệu người có thể bị lừa bởi những kẻ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép giọng nói. 

Ngân hàng này cảnh báo rằng chỉ cần 3 giây âm thanh từ một video đăng trên mạng xã hội, kẻ gian có thể dùng AI để tạo ra bản sao giọng nói của nạn nhân. Sau đó, chúng tiếp cận bạn bè và người thân của họ để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền bằng giọng nói đã được sao chép.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, một cuộc khảo sát đối với 3.000 người do Starling Bank phối hợp cùng cơ quan nghiên cứu Mortar Research thực hiện hồi tháng 8 vừa qua cho thấy hơn 1/4 số người được hỏi cho biết họ đã trở thành mục tiêu của một vụ lừa đảo giả giọng bằng AI trong 12 tháng qua.

Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI - Ảnh 1.

Cuộc khảo sát cũng tiết lộ rằng 46% số người tham gia không biết có những trò lừa đảo như vậy, và 8% sẽ chuyển tiền theo yêu cầu của bạn bè hoặc thành viên gia đình ngay cả khi họ nghi ngờ tính xác thực của cuộc gọi. Bà Lisa Grahame, Giám đốc phụ trách an ninh thông tin của Starling Bank, cho biết mọi người thường xuyên đăng nội dung trực tuyến có ghi âm giọng nói của bản thân mà không bao giờ nghĩ rằng điều đó sẽ khiến họ dễ trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo.

Starling Bank khuyến nghị các khách hàng thiết lập một “cụm từ an toàn” với những người thân yêu của họ – một cụm từ đơn giản, ngẫu nhiên, dễ nhớ và khác với các mật khẩu – để xác minh danh tính qua điện thoại. Ngân hàng cũng khuyến cáo các khách hàng không nên chia sẻ cụm từ an toàn qua tin nhắn, vì tin nhắn có thể bị kẻ gian nhìn thấy. Nếu chia sẻ theo cách này, họ nên xóa ngay sau khi đọc.

Đầu năm nay, ngân hàng NAB của Australia đã đưa hình thức lừa đảo giả giọng bằng AI vào danh sách các thủ đoạn nguy hiểm hàng đầu mà người dân quốc gia châu Đại Dương này cần cảnh giác trong năm 2024. Phó Giáo sư Toby Murray của khoa Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin của Đại học Melbourne, cho biết công nghệ nhân bản giọng nói bằng AI cho phép bắt chước giọng của ai đó với độ chính xác cao, và kết quả ngày càng khó phân biệt. Chỉ cần một vài giây ghi âm giọng nói từ video trên mạng xã hội, kẻ gian có thể tạo ra bản sao giọng nói rất thuyết phục. Sau đó, chúng sẽ dùng bản sao này để thực hiện cuộc gọi với thông điệp được thu âm sẵn, giả vờ cần tiền gấp và yêu cầu chuyển tiền qua thẻ quà tặng, ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng.

Phó Giáo sư Murray cho biết, một khi đã chia sẻ giọng nói và video cá nhân lên mạng, người dùng không thể ngăn chặn giọng nói của mình bị sao chép. Theo ông, trong thời đại truyền thông xã hội, việc yêu cầu mọi người không đăng video của họ lên mạng là điều vô lý, cũng giống như việc khó có thể ngăn người khác tạo tài khoản mạng xã hội giả mạo mình. Tuy nhiên, người dùng có thể thiết lập quyền riêng tư cho tài khoản mạng xã hội của mình để chỉ bạn bè và người thân mới có thể nhìn thấy nội dung họ đăng tải.

Chủ đề:
Thẻ:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *