Tháng trước, Hunter Woodhall đã chứng kiến vợ mình trở thành nhà vô địch Olympic tại Paris. Giờ đến lượt anh đặt mục tiêu giành HCV tại Paralympic.
Hai tuần trước, sau khi giành HCV nhảy xa tại Olympic Paris 2024, người đầu tiên mà Tara Davis-Woodhall chia sẻ niềm vui khi đó chính là chồng cô, Hunter Woodhall. Còn bây giờ, họ đang mong chờ một khoảnh khắc tương tự khi Hunter Woodhall sẽ thi đấu ở nội dung 400m T62 tại Paralympic, với Tara Davis-Woodhall cổ vũ trên khán đài.
Cặp uyên ương Olympic-Paralympic
Tara Davis và Hunter Woodhall gặp nhau trong một cuộc thi điền kinh trường trung học vào năm 2017, và cả hai ngay lập tức trúng tiếng sét ái tình. 5 năm sau, họ về chung một nhà.
Trong suốt những năm qua, cặp uyên ương của làng điền kinh Mỹ đã tạo dựng một mối quan hệ mạnh mẽ cả trên và ngoài đường chạy, thúc đẩy nhau để đạt được những thành công đặc biệt. Bây giờ, họ dành gần như mọi phút giây với nhau, cho dù đó là tập luyện trên đường chạy hay trong phòng gym, ăn chung chế độ dinh dưỡng gần như nhau, và thậm chí còn sở hữu chung một kênh YouTube có hơn 866 nghìn người theo dõi. Đó là nơi ghi lại sự nghiệp thể thao và mối quan hệ của họ.
Sau khi chỉ về thứ 6 môn nhảy xa ở Olympic Tokyo 2020, Tara Davis-Woodhall đã tiến bộ vượt bậc khi giành HCV ở giải vô địch điền kinh trong nhà thế giới và Olympic. Giờ tới lượt Woodhall tái hiện thành công của vợ. Paris sẽ là Paralympic thứ ba của VĐV chạy tốc độ sinh năm 1999 này. Anh từng giành 1 HCĐ và 1 HCB tại Paralympic Rio 2016 khi mới 17 tuổi, và sau đó giành thêm một HCĐ tại Tokyo. Tuy nhiên, HCV vẫn là mục tiêu đầy khó khăn.
“Đó là mục tiêu của tôi. Tôi đang đạt sự ổn định chưa từng có, đang có thành tích chạy tốt nhất từ trước đến nay. Cả thể chất cũng vậy”, Woodhall chia sẻ đầy tự tin, dù anh mới bình phục sau khi nhiễm Covid-19. “Bạn biết đấy, tôi không thể kiểm soát được người khác, nhưng có thể đảm bảo sẽ cố hết sức, làm đúng những gì mình có thể”.
Hôm thứ Hai vừa qua, Woodhall xếp thứ 6 ở nội dung 100m T64 với thời gian là 10,96 giây. Ở nội dung này Sherman Isidro Guity của Costa Rica giành HCV với thành tích 10,65 giây, thiết lập kỷ lục Paralympic, còn Maxcel Amo Manu (Ý) và Felix Streng (Đức) giành HCB và HCĐ. Nhưng đây vốn không phải cự ly sở trường của Woodhall. Anh được đánh giá cao hơn ở cự li 400m.
Tìm bình yên trong điền kinh
Giống như mọi VĐV Paralympic tham gia ở Paris năm nay, hành trình của Woodhall không dễ dàng. Khi sinh ra, anh đã mắc chứng fibular hemimelia (thiếu xương mác). Lúc 11 tháng tuổi, Woodhall phải cắt bỏ cả hai chân từ đầu gối xuống. Nhưng đó lại là cơ hội để anh có thể đi lại bình thường với đôi chân giả.
Có cha làm trong không quân, Woodhall và hai anh trai ban đầu được học tại nhà, nhưng bố mẹ anh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận động. Đến năm lớp 5, anh được cho đi học ở trường công lập, được thử chơi nhiều môn thao. Đó là, như anh nói, môi trường “tuyệt vời để lớn lên”.
Nhưng đó cũng là lúc Woodhall thực sự nhận ra sự khác biệt của mình, và ban đầu gặp khó khăn với sự bắt nạt từ các học sinh khác. Trong khi tìm kiếm một nơi cảm thấy thoải mái, anh cuối cùng đã đến với điền kinh. Khác với các môn thể thao khác nơi mà các HLV đôi khi cảm thấy lo lắng khi để anh thi đấu, điền kinh cho phép Woodhall thể hiện bản thân.
“Với môn thể thao này, chỉ là tôi đấu với đồng hồ và tôi tìm thấy sự bình yên trong đó. Tôi tìm thấy sự hứng thú trong đó. Chỉ có tôi mới có thể cải thiện một chút”, anh chia sẻ, thừa nhận rằng đã mất một thời gian trước khi nhận ra tài năng của mình. “Từ lớp 7 cho đến năm thứ 2 của trung học, tôi không để lại ấn tượng nào trên đường đua. Nhưng sau 5 năm miệt mài, tôi đã có những thay đổi nhỏ, đã cải thiện dần. Nó giúp tôi trở thành người như ngày hôm nay”.
Không chỉ là một trong những VĐV nước rút para xuất sắc nhất thế giới, Woodhall còn là một trong những biểu tượng của Paralympic năm nay và sẵn sàng sử dụng hình ảnh của mình để ủng hộ Thế vận hội với niềm vui và không một chút áp lực.
Mơ ước ở Paris
Sau khi dành thời gian giúp vợ chuẩn bị và thi đấu tại Paris vào tháng trước, Woodhall có thể đã có một vũ khí bí mật trong tay cho Paralympic. Anh đã đi khắp châu Âu để phân tích thời gian cơ thể của mình cần để thích nghi với các múi giờ khác nhau, và tin rằng đó là một lợi thế lớn khi lập kế hoạch chuẩn bị của riêng mình.
Thời gian ở Pháp cũng giúp Woodhall quen với Stade de France, nơi anh hy vọng giành HCV vào cuối tuần này. “Tôi nghĩ rằng việc tưởng tượng là rất quan trọng. Chỉ việc nhìn thấy cách mọi thứ diễn ra, nhìn thấy sân vận động, đường chạy tập, chỉ toàn bộ mọi thứ. Tôi đã có cái nhìn cận cảnh và cá nhân”, anh cho biết.
Sau khi không thành công ở chung kết 100m hạng thương tật T64, Woodhall hy vọng giành HCV Paralympic đầu tiên của mình trong sự kiện 400m vào cuối tuần này (6/9). Sẽ là một viễn cảnh tuyệt vời nếu anh là người chiến thắng, và trao nụ hôn nồng thắm cho cô vợ trên khán đài.
Nhưng dù mục tiêu ấy có thể trở thành hiện thực hay không thì Woodhall cũng đang tràn đầy quyết tâm và niềm vui khi có cơ hội sống trong một giấc mơ thật đẹp và không kém phần lãng mạn.