Các chuyên gia đồ họa đã tái tạo khuôn mặt của Amenhotep I – pharaoh đã sáng lập “Thung lũng các vị Vua” và viết lại lịch sử ở Ai Cập cổ đại.
Amenhotep I – vị vua thứ hai của Vương triều thứ 18 của Ai Cập – được cho là đã qua đời cách đây 3.500 năm ở độ tuổi khoảng 35 trước khi được bảo quản cẩn thận thông qua quá trình ướp xác.
Ông là người đầu tiên được chôn cất tại “Thung lũng các vị Vua” – nơi an nghỉ của hầu hết các pharaoh của Vương triều thứ 18, 19 và 20.
Amenhotep I được tôn thờ như một vị thần sau khi qua đời, chủ yếu là vì ông đã đưa Ai Cập vào một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng mới trong thời gian trị vì của mình.
Nhà thiết kế đồ họa người Brazil Cicero Moraes đã tái tạo hình ảnh Amenhotep bằng kỹ thuật số, lần đầu tiên để lộ khuôn mặt của ông sau 3.500 năm.
Cicero Morares – chuyên về tái tạo khuôn mặt pháp y – đã tạo ra những hình ảnh này bằng cách kết hợp các khuôn mặt được tạo ra thông qua nhiều phương pháp khác nhau.
Một phương pháp liên quan đến việc phân phối các dấu hiệu độ dày mô mềm trên hộp sọ của pharaoh, được hướng dẫn bởi dữ liệu quét cắt lớp vi tính (CT) từ những người hiến tặng còn sống.
Một phương pháp khác là một kỹ thuật được gọi là biến dạng giải phẫu, trong đó việc tái tạo kỹ thuật số đầu của người hiến tặng được điều chỉnh cho đến khi hộp sọ khớp với hộp sọ của pharaoh.
Phương pháp này có thể thực hiện được nhờ các lần quét CT hộp sọ của Amenhotep I được thực hiện vào năm 2021.
Công trình đó, do nhà nghiên cứu X quang cổ đại Sahar N. Saleem của Đại học Cairo và nhà Ai Cập học Zahi Hawass thực hiện, “thực tế đã mở ra” hài cốt ướp xác của Amenhotep I bằng cách sử dụng quét CT và tiết lộ các chi tiết về ngoại hình, cấu trúc xương và một số cơ quan nội tạng được bảo quản, bao gồm cả tim và não của ông.
Các bản quét không chỉ ra nguyên nhân tử vong, nhưng ước tính tuổi thọ của người chết vào khoảng 35 tuổi và cho rằng ông đã phải chịu một loạt các vết thương sau khi chết “có thể do những kẻ trộm mộ hoặc những người ướp xác sau đó gây ra” – đồng tác giả của Morares, nhà khảo cổ học Michael Habicht của Đại học Flinders ở Australia cho biết.
Nó cũng cho thấy Amenhotep I cao khoảng 1m65, răng của ông vẫn còn tốt và ông có mái tóc xoăn, Habicht nói thêm.
“Bằng cách đối chiếu dữ liệu từ tất cả các hình chiếu, chúng tôi đã tạo ra bức tượng bán thân cuối cùng và bổ sung cho cấu trúc bằng trang phục lịch sử” – Morares cho biết.
Sau khi Morares tiết lộ khuôn mặt của pharaoh, ông nhận thấy rằng nó không khớp với vị thần được mô tả trong các bức tượng.
“Nhiều xác ướp, chẳng hạn như Amenhotep I, có tình trạng hàm dưới bị thụt vào và điều này thường không được phản ánh theo cách tương thích trong các bức tượng” – ông nói.
Morares cho biết thêm: “Nhìn chung, các bức tượng của Amenhotep I tương thích ở vùng mũi, nhưng thanh thoát hơn ở vùng trán giữa và nhô ra nhiều hơn ở vùng cằm”.
Triều đại của Amenhotep I diễn ra sau khi cha ông là Ahmose I trục xuất quân xâm lược Hyksos và thống nhất Ai Cập thành công và đại diện cho một thời kỳ hoàng kim của Ai Cập cổ đại.
“Vương quốc mới” không chỉ thịnh vượng và an ninh mà Amenhotep I còn giám sát một loạt các công trình tôn giáo và các chiến dịch quân sự thành công chống lại cả Libya và miền Bắc Sudan.
“Dưới sự cai trị hòa bình của Amenhotep I, sự trỗi dậy của Ai Cập đã được khởi xướng và thời kỳ hoàng kim của Vương quốc mới bắt đầu” – Habicht nói.
Tên của Amenhotep có nghĩa là “Amun hài lòng” – ám chỉ vị thần không khí của Ai Cập cổ đại.
Việc tái tạo kỹ thuật số của Morares và Habicht mang đến cái nhìn đầu tiên về khuôn mặt của vị vua nổi tiếng này. Điều này được thực hiện bởi các nhà Ai Cập học đã mở đường cho công trình này.
Morares cho biết: “Công trình này không chỉ được thực hiện bởi chúng tôi mà còn bởi tất cả những người đã nghiên cứu và tìm hiểu nghiêm túc về Ai Cập cổ đại, luôn chia sẻ thông tin”.