Với bất cứ nền bóng đá nào, hệ thống giải chuyên nghiệp luôn là nền tảng, bệ phóng, cần phải được củng cố vững chắc. Nói thế để kỳ vọng từ mùa giải 2024/2025, V-League sẽ được “đánh thức” thật sự để có những bước phát triển mới.
Mùa giải 2023/2024 khép lại với chức vô địch thuộc về Nam Định. Như vậy, V-League 4 mùa gần nhất được chứng kiến 4 nhà vô địch khác nhau là Viettel, Hà Nội FC, CAHN, và Nam Định. Điểm chung của 4 mùa gần nhất là để xác định nhà vô địch đều phải chờ đến những vòng đấu cuối cùng, tạo nên diễn biến rất mới lạ, hấp dẫn. Đấy là bằng chứng của sự cạnh tranh công bằng tương đối, khi nhiều năm trước đây chức vô địch chỉ “quẩn quanh” vài đội bóng.
Nhìn vào sự chuẩn bị của mỗi đội bóng có thể hứa hẹn về một mùa giải mới với những cuộc đua căng thẳng. Những cuộc chuyển nhượng, chiêu mộ nhộn nhịp ngay khi mùa giải 2023/ 2024 kết thúc đã gợi mở về mùa giải sôi nổi. Người hâm mộ cũng khát khao mùa giải chuyên nghiệp năm thứ 25 sẽ có nhiều tăng trưởng về chất.
V-League không chỉ đang chứng kiến những bản hợp đồng chuyển nhượng chưa từng có về giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, mà còn về số lượng. Vừa vui mừng với ngôi á quân chưa lâu, CĐV bóng đá đất Võ ngơ ngác khi có đến 16 cái tên chia tay CLB Bình Định.
Thị trường chuyển nhượng như phá vỡ quy luật cả về giá trị cũng như “rào cản” về hợp đồng và tình cảm. Chính điều đó đã thúc đẩy những cầu thủ nổi tiếng phải chọn lựa và tìm bến đỗ mới bởi chưa bao giờ, giá trị của họ được đẩy lên cao đến vậy. Khi cầu thủ được hưởng lợi cùng đồng nghĩa những đội bóng phải lâm vào thế bất lợi vì hiện tượng “chảy máu” hàng loạt nhân tố chủ chốt, quan trọng.
Không chỉ những vụ chuyển nhượng đình đám, V. League đang tồn tại một hơi hướng khác, đó là nhiều cầu thủ “say” danh hiệu. Không phải cầu thủ nào muốn tìm nơi chốn mới chỉ bởi các khoản lót tay, lương thưởng, họ đến đội bóng mới với khát vọng có được một lần vô địch V-League.
Câu chuyện Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Hồng Duy, Tuấn Anh rời HAGL là ví dụ điển hình. Nhiều cầu thủ rời bến đỗ cũ khi họ cảm nhận hay bị thuyết phục bởi tham vọng hay mục tiêu ở bến đỗ mới.
VPF quy định, giai đoạn 1 đăng ký và chuyển nhượng V-League, giải hạng Nhất kết thúc vào 15/10/2024, giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 20/1 và kết thúc 12/3/2025. Có nghĩa, thị trường chuyển nhượng chẳng những chưa dừng lại, mà còn dự báo tiếp tục là “dòng chảy ngầm” khó đoán ngay khi trái bóng đã lăn.
Vì thế, không ngạc nhiên khi nửa mùa này cầu thủ với cầu thủ là đồng đội, nửa mùa kia đã là đối thủ. Không loại trừ còn có cả các hợp đồng “bom tấn” được trình làng vào giờ chót.
Đã lâu rồi mới thấy V-League có nhiều đội bóng đặt ra mục tiêu vô địch, có huy chương như năm nay. Tham vọng được dõng dạc tuyên bố chứ không chỉ âm thầm giấu diếm. Một giải đấu có chất thì cuộc đua vô địch phải có nhiều đội phát tín hiệu mới tạo sự đa dạng, nhiều sắc màu cho sân chơi quốc nội.
Ở những mùa giải gần đây, cuộc đua vô địch cũng đã mở rộng với ít nhất 3 CLB đua tranh gắt gao từ đầu đến cuối. Năm nay, rất có thể sẽ có nhiều hơn những ứng viên tham gia vào đường đua. Ngoài Nam Định, CAHN, Hà Nội FC, có thể kể đến Thể Công Viettel, B.Bình Dương.
Chúng ta cũng khát khao mùa giải chuyên nghiệp năm thứ 25 sẽ có nhiều tăng trưởng về chất. V-League 2024/2025 là năm thứ 2 được tổ chức vắt qua 2 năm giống như nhiều giải đấu trên thế giới.
Sự đổi mới đó đem lại một số thuận lợi như tối ưu hóa lịch thi đấu các giải, đồng bộ thị trường chuyển nhượng cầu thủ đối với các giải đấu hàng đầu châu Âu, phân bổ đều hơn các trận đấu của CLB hàng năm để duy trì sự cân bằng với các trận đấu của ĐTQG.
Mùa giải mới đã cận kề, các đội cơ bản đã định hình lực lượng ban huấn luyện cũng như cầu thủ. Hy vọng khán giả sẽ được chứng kiến bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thay đổi về chất cả “bình” lẫn “rượu”.