Học giả Nguyễn Đình Đầu qua đời hôm 20/9 tại TP.HCM, đại thọ 105 tuổi, theo âm lịch. Ông là một tấm gương lớn về tự học và kỷ luật làm việc, tận tâm nghiên cứu cho tới những tháng ngày cuối cùng. Số đầu sách mà ông đã viết chắc cũng nhiều ngang bằng số tuổi đời của ông.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của Lê Ngọc Hân, một nhà nghiên cứu trẻ có nhiều dịp gần gũi với học giả Nguyễn Đình Đầu.
Mê sử địa từ tiểu học
Cậu bé Nguyễn Đình Đầu chào đời vào ngày 12 tháng 3 năm 1920 tại Hà Nội trong một gia đình Ki-tô giáo nghèo. Từ năm 6 tuổi, Nguyễn Đình Đầu đã dậy từ 4 giờ sáng phụ mẹ gánh hàng xôi đậu đi bán rong. Quãng thời gian học trường tiểu học Pháp, ông làm nghề tráng bánh cuốn phụ giúp kinh tế gia đình. Bởi xuất thân từ tầng lớp lao động bình dân, Nguyễn Đình Đầu có tấm lòng tha nhân và yêu thương rộng mở với tất cả, đặc biệt với những người yếu thế, khó khăn.
Tên “Đầu” từng là nỗi mặc cảm của ông suốt thời gian dài, vì ông tra cứu khắp nơi, thấy ít tên địa danh, nhân danh nào đặt tên “Đầu” lạ lùng như mình. Sở dĩ thế, vì bố mẹ sinh ông ra trong một gia đình ở phố Hàng Giấy (Hà Nội), địa danh thường lui tới của tầng lớp trí thức (kẻ sĩ) khi ấy. Đây cũng là nơi tập trung nhiều người hát ca trù hoặc nôm na gọi là hát cô đầu, nên ông có luôn cái tên Nguyễn Đình Đầu đơn giản là thế.
Trong buổi gặp gỡ Trăm năm sử Việt tổ chức ngày 20/8/2022, Nguyễn Đình Đầu chia sẻ trời phú bẩm sinh ông có trí nhớ tốt, hầu hết các sự việc đã xảy ra trong đời đều nhớ rõ, điều này giúp cho dễ dàng ghi chép lại dữ kiện để nghiên cứu sử, địa.
Cuộc đời Nguyễn Đình Đầu đam mê bộ môn sử địa từ những năm tiểu học. Ông may mắn gặp gỡ những người tốt lành, gặp gỡ nhiều nhân vật có đóng góp quan trọng trong lịch sử như kỷ niệm thời học sinh vào năm 1933, khi đi thi lấy bằng sơ học yếu lược tại trường Sinh Từ, Hà Nội. Thầy giám khảo đặt câu hỏi vấn đáp: “Nước Việt Nam được tự chủ độc lập từ bao giờ sau khi lệ thuộc Trung Hoa hơn ngàn năm?” Cậu học sinh Nguyễn Đình Đầu tự tin trả lời: “Nước Việt Nam vãn hồi độc lập từ sau khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng”. Bất ngờ thanh tra xuất hiện, là sử gia Trần Trọng Kim, đặt câu hỏi phụ: “Đó là năm nào?” Nguyễn Đình Đầu hí hỏm kể: “Tôi bịa đại một con số. Ông thanh tra lắc đầu. Tôi lo lắng tưởng rằng sẽ trượt, may mà có điểm đậu vớt”.
Sau khi học xong bậc trung học, năm 1939, ông theo học trường bách nghệ tại Hà Nội và tốt nghiệp tại đây vào năm 1941. Trong khoảng thời gian ấy, ngoài việc học, ông còn gia nhập Hội Hướng đạo, Hội Truyền bá quốc ngữ, Phong trào Thanh Lao Công (tức phong trào Thanh niên -Lao động – Công giáo, Jeunnesse Ouvrière Chrétienne – JOC) và trở thành thành viên tích cực của những tổ chức này.
Theo lời kể của ông, khoảng năm 1940-1941, ông thường theo ông Hoàng Đạo Thúy đi hướng đạo xung quanh Hồ Tây. Do có khả năng vẽ kỹ thuật, ông thường được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ. Và cũng do ảnh hưởng tinh thần dân tộc của các trưởng hướng đạo bấy giờ, ông sớm bộc lộ sự đam mê với các bản đồ cổ về Việt Nam.
Nghiên cứu từ tuổi trung niên
Vào những năm 1960, Nguyễn Đình Đầu bắt đầu hoạt động nghiên cứu và công bố các công trình của mình trên báo chí miền Nam. Hơn 100 công trình của ông được giới chuyên môn đánh giá cao. Từ những sách sử học, tư liệu, bản đồ cổ kim dày công sưu tập ông mày mò tra cứu, tìm hiểu, dịch thuật để viết hàng trăm bài nghiên cứu địa lý, văn hóa, lịch sử dân tộc, giải mã những chuyện lớn, nhỏ trong lịch sử vẫn còn nhiều nghi vấn, đồng thời đào sâu số phận một vài nhân vật thường bị đánh giá “công tội khác nhau” như Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký …
Năm 1991, khi có dịp sang Pháp nghiên cứu 3 tháng, ông đến trung tâm lưu trữ của Hội truyền giáo Paris tìm tư liệu về Cố Long, tức linh mục Charles-Émile Bouillevaux và Trương Vĩnh Ký. Nhà giáo Trần Hữu Tá gọi ông là “nhà nghiên cứu sâu sắc Trương Vĩnh Ký”. Năm 2022, ông vẫn tiếp tục cùng cộng sự bắt tay vào bản thảo dịch thuật, chú thích và giới thiệu tác phẩm mà Jean Bouchot viết về Pétrus J.B. Trương Vĩnh Ký.
Điều ít ai biết, vì tâm nguyện giữ cái lòng thành của mình phục vụ cho đất nước, do đó, khi nghiên cứu, ông độc lập tài chính, không dựa vào ngân sách tài trợ của đơn vị nào để khẳng định tâm trong sáng chân chính, khách quan. Ông cũng chẳng màng đến học hàm học vị, mà dành trọn say mê nghiên cứu lịch sử địa lý, bằng hàng loạt tác phẩm lớn nhỏ.
Với tinh thần khuyến học, Nguyễn Đình Đầu luôn sẵn sàng hướng dẫn, trao truyền kiến thức cho thế hệ trẻ, thân hữu trong giới nghiên cứu, bất cứ ai đến gặp ông cũng tận tình chỉ dẫn.
Nhà văn Khải Đơn kể, khi còn là sinh viên, cô từng đến hỏi ông một câu đơn giản: “Vườn Tao Đàn và sự tồn tại từ trước kia của nó”. Ông kiên nhẫn trả lời, nói chầm chậm, chỗ nào ông bảo không nhớ ông run run cầm bút viết lại để kiểm tra sau. Mấy ngày sau, ông gọi lại Khải Đơn để cho biết có một chi tiết ông nhớ sai, ông đọc lại cho sửa.
Những dịp ông giao lưu, gặp gỡ độc giả ra mắt sách, ông luôn chuẩn bị tư liệu thật rõ ràng, đính kèm với chú dẫn là ông đọc từ đâu, lấy từ đâu. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi chưa đến một tiếng của nhà sử học nổi tiếng trao truyền thế hệ trẻ chẳng những kiến thức, mà hơn nữa là tấm gương và nhân cách khoa học. Mỗi khi nhận ra cái sai của mình, ông đều tìm cách đính chính và sửa sai.
Mỗi ngày ông theo dõi thời sự, diễn biến xã hội trong nước và quốc tế kỹ lưỡng, rồi tích cực viết bài đóng góp với tấm lòng yêu nước trong sáng.
Hàng trăm bài tạp ghi sử địa phần lớn đăng trên tạp chí Xưa & Nay, cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tuần báo nguyệt san Công giáo và dân tộc, cơ quan của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP.HCM… và một số báo khác như Tuổi trẻ, Thanh niên, Nông nghiệp…
Cuộc đời thăng trầm, trải qua nhiều biến cố lịch sử trọng đại của đất nước mà ông có dịp chứng kiến hoặc tham gia trực tiếp. Từ trẻ ông tham gia sinh hoạt xã hội – văn hóa – tôn giáo và được giao nhiều việc quan trọng. Sau trăm năm truân chuyên, có thể nói Nguyễn Đình Đầu đã viên thành trong sự nghiệp nghiên cứu lịch sử, được học giới công nhận, nể trọng.
Bộ sưu tập bản đồ giải mã lịch sử
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dành gần 70 năm tâm huyết sưu tầm, tìm kiếm hơn 3.000 bản đồ. Có những bản đồ ông cặm cụi vẽ lại, vì thư viện nước ngoài cho vẽ lại mà không cho sao chụp. Trong bộ sưu tập đồ sộ ấy có nhiều chi tiết, tư liệu quý hiếm thể hiện chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng loạt bài viết giá trị về Bến Nghé, Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Đất Đỏ, Bến Tre, Phú Nhuận, Đồng Tháp Mười, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Long… là nhờ nghiên cứu địa bạ, bản đồ.
Những năm cuối đời, Nguyễn Đình Đầu tập hợp 23 cuốn sách nghiên cứu về địa bạ triều Nguyễn mà ông và nhóm cộng sự thực hiện từ năm 1980 đến năm 2000, với mong muốn giúp giới trẻ có thêm cứ liệu để bước vào nghiên cứu.
Trong di sản Hán Nôm, bộ sưu tập địa bạ gồm 10.044 quyển, bắt đầu soạn từ năm Gia Long IV (1805) là kho tàng phong phú, ghi chép khá chính xác về địa lý hình thể, địa lý hành chánh, cách sử dụng đất đai, tình hình chiếm hữu ruộng đất, tỷ lệ công điền đối với tư điền, quy chế riêng của mỗi loại quan điền, công điền, sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt nông nghiệp…
Cách đây 2 năm, tôi đến gửi tặng ông cuốn sách công trình nghiên mới và kể với ông về người bạn là tác giả trẻ của tác phẩm, ông chăm chú lắng nghe và lấy viết ghi lại tên nhà nghiên cứu trên giấy ngay lập tức. Chúng tôi vô cùng cảm động, ông luôn trông chờ thế hệ nghiên cứu trẻ như chúng tôi tiếp tục làm sáng tỏ lịch sử.
Nguyễn Đình Đầu chuyên nghiên cứu về lĩnh vực địa bạ, địa chí, bản đồ và các hoạt động công nghiệp cổ truyền Việt Nam.
Các tác phẩm tiêu biểu như Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (1991 – 2000, 23 cuốn), Chế độ công điền công thổ ở Nam kỳ lục tỉnh (1992), Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam (đồng tác giả, 2008), Dấu ấn 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam (2010), Cố cả Léopold Cadière – Từ Việt Nam học đến Việt Nam hóa (2011), Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (2013), Trương Vĩnh Ký – nỗi oan thế kỷ (2017), Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (2023)…
Trên cáo phó ghi Giuse Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1923, đại thọ 102 tuổi, còn hàng loạt trang báo thì ghi qua đời ở tuổi 104 hoặc 105? Vì sao có sự khác nhau này?
Bộ sách nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn xuất bản trong thập niên 1990 ghi Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1923. Trong cuốn Từ bục giảng đến văn đàn – Chân dung 25 người thầy (2015) của NXB Trẻ, PGS-TS Trần Hữu Tá ghi Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12/3/1920. Bộ sách Tạp ghi Việt sử địa (2020) thì ghi: Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12/3/1920 (giấy khai sinh ghi năm 1923) tại Hà Nội. Theo biên tập viên Trần Ngọc Sinh của NXB Trẻ, người thực hiện bộ sách, thì ông Nguyễn Đình Đầu kể rằng: “lúc 10 tuổi, để được học tiểu học ở trường công, ông được bố khai lùi năm sinh từ 1920 thành ra 1923”.
Như vậy, tờ cáo phó gia đình căn cứ vào giấy khai sinh chính thức năm 1923 để làm thủ tục khai tử, còn năm sinh thật là 1920.